GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 10-2024 CUỐN SÁCH: “HIỀN TÀI LÀ NGUYÊN KHÍ QUỐC GIA”

        Kính thưa các thầy cô giáo và các em học sinh thân mến!

"Hiền tài là nguyên khí quốc gia", câu nói nổi tiếng này từng khắc trên tấm bia tiến sĩ đầu tiên của nước ta. Đây cũng là tư tưởng trọng nhân tài được cha ông ta truyền từ đời này sang đời khác. Nhờ đó trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc ta đã sản sinh ra rất nhiều bậc danh tài, làm rạng rỡ non sông, đất nước.

Trong buổi giới thiệu sách hôm nay, tôi xin giới thiệu tới các thầy, cô giáo, các em học sinh cuốn sách " Hiền tài là nguyên khí quốc gia" của các tác giả Nguyễn Như Mai, Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Quốc Tín, được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản năm 2013, gồm 114 trang, in trên khổ 13x19cm.

         Cuốn sách bao gồm các bài viết về các bậc hiền tài đã có những đóng góp đặc biệt giúp cho nước giàu, dân mạnh. Sự nghiệp của họ cũng khẳng định một điều rằng, đất nước ta không chỉ có truyền thống đánh giặc, mà còn có truyền thống văn hiến về nhiều mặt. Trong cuốn sách này các tác giả đã lựa chọn, giới thiệu đến bạn đọc 13 câu chuyện xoay quanh cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của 13 bậc hiền tài thuộc rất nhiều lĩnh vực như: Sử học, Văn học, Toán học, các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, họ đã có những đóng góp đặc biệt cho sự thái bình thịnh trị của đất nước và có ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng, đời sống của nhân dân, được muôn đời sau ghi nhớ.

 Mở đầu cuốn sách, các tác giả giới thiệu với bạn đọc về cuộc đời và những đóng góp to lớn của Lê Văn Hưu - Ông là nhà viết sử đầu tiên của nước Đại Việt. Mồ côi cha từ khi còn trong bụng mẹ, nhưng nhờ sự tần tảo nuôi nấng của mẹ nên từ nhỏ Lê văn Hưu đã nổi tiếng thần đồng. Mười bảy tuổi ông thi đỗ bảng nhãn, được nhà vua tin cậy giao cho làm thầy dạy của hoàng tử, rồi lên đến chức Bộ binh thượng thư. Biên soạn sử là một việc chưa có tiền lệ ở nước ta. Vậy Lê Văn Hưu đã bằng cách nào và dày công nghiên cứu ra sao để cho ra đời bộ Đại Việt sử kí ghi lại lịch sử suốt 15 thế kỉ của nước ta. Tìm hiểu từ trang 5 đến trang 10 của cuốn sách, các bạn sẽ giải đáp được những điều đó.

 Với một cuốn sách như thế này thì không thể không nhắc đến " Vì sao khuê trên bầu trời văn hóa thế giới" - Nguyễn Trãi. Năm 1980, nhân dịp kỉ niệm 600 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi tổ chức Văn hóa - Giáo dục Liên hợp quốc đã công nhận ông là danh nhân văn hóa thế giới, thế giới đánh giá cao Nguyễn Trãi, một nhà tư tưởng kiệt xuất, một nhà quân sự thiên tài, một nhà văn chính luận đanh thép, một nhà giáo dục nhân bản,… Có lẽ các thầy cô và các em học sinh còn chưa biết được nhiều về cuộc đời, sự nghiệp cũng như cái chết oan nghiệt của ông. Vì vậy chúng ta hãy tìm đọc từ trang 42 đến trang 56 để hiểu hơn về một trong những người con ưu tú của đất nước.

 Thưa các thầy cô và các em học sinh!

         Có một người thầy được tôn kính tại Văn Miếu với danh hiệu " Vạn thế sư biểu", ông cũng là người duy nhất không xuất thân khoa bảng, không làm quan đầu triều nhưng luôn luôn được nhắc đến trong bất cứ quyển chính sử nào của nước ta bằng những lời lẽ kính trọng nhất, Ông là ai?

           Vì sao trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một bậc kì tài hiểu danh muôn thuở, một nhà thi sĩ thâm thúy đến năm 44 tuổi mới ra ứng thí Trạng nguyên. Sấm kí Trạng trình là gì? Và vì sao ông được mệnh danh là " Nha tiền tri thấu suốt nhân gian"?

Còn rất nhiều các bậc hiền tài có những đóng góp to lớn cho đất nước ở nhiều lĩnh vực được giới thiệu trong cuốn sách này như: Vua Lê Thánh Tông, Phật hoàng Trần Nhân Tông, Trạng Lường - Lương Thế Vinh, Hải thượng lãn ông Lê Hữu Trác, danh y Tuệ tĩnh, … Cuộc đời của họ hẳn còn nhiều điều bí ẩn so với sự hiểu biết của chúng ta phải không các bạn? Chúng ta chẳng phải tìm đâu xa, mà ngay chính trong cuốn sách này, ngay trên giá sách tự chọn tại thư viện trường THCS Bản Ngoại, tất cả các bạn sẽ được cung cấp những thông tin bên lề thú vị, những sự tích cảm động, những sự kiện lịch sử nổi bật qua các thời đại.

Tôi tin rằng, những hiểu biết mà cuốn sách này mang lại sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình học tập của các em học sinh. Tấm gương của người xưa chính là niềm tự hào để chúng ta vun đắp lòng tự tôn dân tộc, ra sức phấn đấu để xứng đáng với tiền nhân.

  Xin kính mời các thầy cô giáo và các em học sinh đến thư viện tìm đọc.